Truyện và phim Nam yêu Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Go down
MuaHeXanh1111
MuaHeXanh1111
Tổng số bài gửi : 907
Điểm : 1252
Chất lượng : 7
Join date : 31/10/2011
Age : 34
Đến từ : tpchm
http://pchymew.net/

[ST] Ma Thổi Đèn Tập 3 Empty [ST] Ma Thổi Đèn Tập 3

Wed Feb 01, 2012 7:51 pm
Ma Thổi Đèn Tập 3

Trùng Cốc Vân Nam

Chương 1

TAI NẠN GIAO THÔNG

Sau khi về Bắc Kinh, chúng tôi tập trung ở hiệu ăn lâu đời Mỹ Vị Trai Bắc Kinh và tổ chức đại hội đại biểu lần thứ hai thành công tốt đẹp. Sau khi Tuyền béo xơi gọn ba đĩa tôm rán giòn Thượng Hải, hội nghị nhanh chóng thông qua nghị quyết đi Vân Nam đổ đấu.

Tuyền béo quệt lớp mỡ dính quanh mồm, nói với tôi :" Nhất này, Vân Nam rất hay đấy. Năm xưa cái đoạn Chim hoàng yến bay về từ chân trời xa 1 cũng làm tôi ngây ngất ra phết đấy, tôi đã muốn đến đó gặp gỡ các cô gái dân tộc thiểu số hừng hực cháy bỏng lửa tình ấy từ lâu rồi".

Tôi trả lời :" Vân Nam chẳng phải thú vị như cậu tưởng đâu, mà các thiếu nữ dân tộc chẳng phải cô nào cũng đều như chim công chim phượng, chỉ biết là ngày trước tôi đến Vân Nam, chẳng thấy có cô nào ra hồn cả. Hồi đó bộ đội chúng tôi đóng ở một ngọn núi cổ xưa cách biên giới không xa, diễn tập chiến đấu thực địa ở đó một tháng trời. Nơi ấy là chỗ người Hà Nhì, người Di, người Choang sống tập trung, có nhiều người dân tộc thiểu số lắm, tôi thấy tướng mạo họ cũng giông giống như người Việt Nam ấy. Năm đóa hoa vàng A Si Ma gì đó, chỉ là hình tượng hư cấu có thêm tí nghệ thuật trên phim truyền hình mà thôi, không nên coi là có thật. Ông đừng quá ảo tưởng, kẻo rồi sẽ thất vọng đấy".

Răng Vàng nói :"Gì thế anh Nhất? Chắc là anh đến phải vùng khe vùng núi rồi. Năm xưa tôi đi Vân Nam tham gia đội sản xuất đã gặp không ít các em người Thái, người Cảnh Pha rất đẹp, em nào cũng eo thon chân dài ... Chà chà! Thật đúng là... Nếu lấy được một em về làm vợ thì quá đã đời!"

Lão mù ăn tạm đã đủ đô, nghe chúng tôi bàn tán bèn vỗ bàn nói :" Các vị hảo hán ạ, con gái sơn dã Vân Nam thì có gì hay hớm, mà trong đám người Miêu lại có cả các bà cồ 2nữa. Cổ trùng ( sâu độc) của bọn họ hết sức hiểm ác, dẫu đề phòng cũng không lại được. Các người nên tránh, đừng có dính vào các mụ ấy thì hơn".

Răng Vàng gật đầu, nói: " Lão tiên sinh nói cũng có lý. Năm xưa tôi đi tham gia đội sản xuất ở Vân Nam, nghe nói bao nhiêu dân tộc thiểu số như thế, chỉ có người Miêu là thạo dùng sâu độc nhất, mà cái đám người Miêu này còn chia làm Miêu hoa, Miêu xanh, Miêu đen ... Người Miêu xanh thạo về các loại sâu thảo dược, người Miêu đen thì giỏi nuôi cấy sâu độc và đánh thuốc. Giờ người Miêu đen chỉ còn rất ít, nhưng lỡ chẳng may gặp phải bà cồ trong đám con gái Miêu thì đau đầu lắm đấy !".

Tuyền béo cười nói :" Anh Răng Vàng quá coi thường sức hút của anh em ta thì phải? Nếu không gặp các em Miêu xinh thì thôi, nhưng nếu gặp thì tôi nhất định sẽ hút về cho anh vài cô. Đến lúc ấy ta lại tụ tập ở đây, tôi phát cho mỗi vị một em bồ nhí Miêu".

Tôi uống đã kha khá, bắt đầu thấy líu lưỡi, bèn bấu chặt vai Tuyền béo, cười nói :" Nếu Tuyền béo ục ịch nhà ta bị các bà cồ già khú đế ưng mắt, đảm con bà nó bảo là sẽ lột da cậu ra làm mặt trống đấy! Nơi chúng ta đến lần này người Bạch là nhiều nhất, gái người Bạch trông rất được đấy nhé, da trắng nõn nà".

Shirley Dương hôm nay ăn khỏe ra trò, tạm tính từ đời các cụ tổ lửng lơ thì quê cô nàng ở miền Giang - Triết, cho nên các món nấu theo lối Hoài Dương ở đây rất hợp với khẩu vị. Thấy tôi, Tuyền béo, Răng Vàng, lại thêm cả lão mù nói đi nói lại mà chủ đề mãi vẫn không rời khỏi các thiếu nữ dân tộc thiểu số Vân Nam, cô nàng không nhịn được nữa bèn khẽ đằng hắng một tiếng.

Được Shirley Dương nhắc nhở, tôi mới nhớ ra là còn có việc nghiêm túc cần trao đổi, hơi men đã bốc đỡ đi chút ít, bèn nâng chén nói cùng mọi người :" Các đồng chí ạ, ngày mai tôi, Tuyền béo và Shirley Dương sẽ lên đường lặn lội về Vân Nam. Núi cao, đường xa, chẳng khác đi vào chốn sa trường rừng mưa gươm đạn là mấy, nặng gánh cách mạng trên vai chẳng rõ ngày nào mới trở lại được. Nhưng nam nhi đại trượng phu vẫn nên thả chí ở bốn phương, phi ngựa vung gươm mà rong ruổi thiên hạ. Gorki đã nói, những con vịt biển ngu xuẩn không đáng được hưởng niềm vui chiến đấu. Mao chủ tịch nói một vạn năm quá lâu, ta cần giành được ngay trong một ngày. Lúc này cảnh đẹp rượu ngon trước mặt, chúng ta được vui vẻ ngồi đây với nhau thì nên nâng niu từng giây từng phút. Đợi khi chúng tôi ca khúc khải hoàn trở về, chúng ta lại mở tiệc to, nâng chén ngợi anh hùng".

Mọi người cùng nâng chén, cụng ly chúc chuyến đi của chúng tôi thuận lợi. Răng Vàng uống cạn ly rượu, rồi nắm chặt tay tôi nói :" Anh Nhất ạ! Thằng em này rất muốn đi Vân Nam cùng các anh, nhưng thể lực không kham nổi gian lao, dù đi thì cũng chỉ thêm gánh nặng cho các anh thôi. Những lời ông anh vừa nói khiến tôi chỉ muốn khóc, chi bằng tôi hát cho mọi người nghe một đoạn "Thập tống hồng quân" được không?"

Tôi cũng thấy rất cảm động, nói với Răng Vàng :" Anh Răng Vàng nói vậy, e hình như giữa anh em ta có phần xa cách. Chúng tôi đi Vân Nam chuyến này phải nhờ đến anh ở hậu phương giúp chuẩn bị trang thiết bị, đấy chính là sự bảo đảm cho thành công của cả chuyến đi đó. Anh cứ yên tâm, các đồ tùy táng đào bới được, tôi được chừng nào thì anh cũng được chừng ấy".

Răng Vàng trao đổi với tôi về các trang thiết bị đã và chưa mua được, sau đó tôi, hắn và Shirley Dương cùng bàn bạc xem nên mang theo những gì. Tuyền béo và lão mù cũng không chịu ngồi yên, hai người không ngớt trêu ghẹo cô phục vụ xinh đẹp, một mực gạ đòi xem bói cho người ta. Đêm trước khi lên đường trôi qua trong ồn ã huyên náo.

Hôm sau, Răng Vàng và lão mù tiễn chúng tôi ra ga xe lửa, kẻ ở người đi chúc tụng nhau. Chúng tôi từ biệt nhau trong tiếng rầm rầm của đoàn tàu chuyển bánh.

Tôi, Shirley Dương và Tuyền béo đi tàu xuôi về miền Nam đến Côn Minh. Trước tiên, dừng chân ở Côn Minh ba ngày, ba ngày này có rất nhiều chuyện phải làm. Theo địa chỉ mà Răng Vàng đưa cho, tôi tìm đến thôn Nghênh Khê gần chùa Đàm Hoa. Răng Vàng có một chiến hữu cách mạng từ thời đi tham gia đội sản xuất đang ở đây, hai người bọn họ từ bấy đến giờ vẫn duy trì quan hệ làm ăn. Được anh ta giúp đỡ, tôi mua được ba khẩu súng lục chế tạo phỏng theo kiểu súng lục 64, báng súng có mã số xịn hẳn hoi, đồ của công binh xưởng Mianma làm theo mô-đen súng Trung Quốc. Về mặt công nghệ sản xuất, kể cũng đáng gọi là hàng xuất khẩu được rồi. Ở nơi núi khe heo hút, không có bóng người, nếu gặp dã thú tấn công mà không có súng phòng thân thì vất vả khôn lường.

Shirley Dương và Tuyền béo đã mua hai cái vợt bắt côn trùng và ba cái mũ tai bèo che nắng màu vàng. Theo kế hoạch định trước, chúng tôi sẽ cải trang thành nhân viên của bảo tàng tự nhiên vào rừng bắt bướm làm tiêu bản. Đôi bờ sông Lan Thương rất nhiều các loại bướm lạ, sắm vai người đi bắt bướm để đến Trùng Cốc đổ đấu, dọc đường chắc cũng không đến nỗi bị người ta phát hiện.

Những trang bị khác chúng tôi đều cố gắng sao cho giản tiện, miền núi Vân Nam không như sa mạc Gobi, không cần đem quá nhiều nước và thực phẩm, balo còn thừa chỗ nào, chúng tôi đều cố nhét thêm đủ các loại thuốc, để còn ứng phó với côn trùng độc hại trong rừng.

Tôi chia hai khẩu súng ngắn moden 64 cho Tuyền béo và Shirley Dương. Tuyền béo không ưng ý lắm, bảo loại súng vớ vẩn này thì được tích sự gì, bắn chuột cũng không chết, liền bực mình tìm vật liệu làm một cái ná thun. Năm xưa chúng tôi đi lao động ở dãy Đại Hưng An Lĩnh - Nội Mông, thường dùng súng cao su để bắn chim và thỏ rừng, nếu vật liệu tốt thì đúng là còn hiệu quả hơn súng ngắn loại 64.

Chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi đi ô tô theo đường quốc lộ 320, xuyên qua vùng giữa núi Ai Lao, núi Vô Lượng với hồ Nhĩ Hải bên núi Điểm Thương của Đại Lý, đến bờ sông Lan Thương mỹ lệ. Đích đến của chúng tôi là một nơi có mạch núi dòng sông chằng chịt đan xen nhất tỉnh Vân Nam. Nơi ấy còn cách biên giới Mianma một quãng nữa.

Đoạn đường cuối dốc cao đường hẹp, ô tô không thể không đi men vách đá cheo leo. Tài xế là một tay lão luyện, cứ lái thản nhiên như không dù mặt đường rất xấu, nhấp ngô gập ghềnh lại có nhiều đá lẫn ổ gà ổ voi, hết ngoặt bên này lại ngoặt bên kia, chiếc xe xóc lên xóc xuống, mấy lần liền hóa hiểm thành an. Tôi và Tuyền béo sợ toát mồ hôi, chỉ lo nếu thằng cha tài xế sơ ý thì cả xe lẫn người sẽ lật xuống sông Lan Thương dưới vách đá kia.

Mọi hành khách khác trong xe có lẽ thường ngày đã quen ngồi ô tô như thế này nên không hề để ý, người thì nói nói cười cười, người thì ngủ khì, có nhiều người còn mang lên xe cả lồng nhốt gia cầm, tiếng vợ khóc con kêu lẫn lộn, đủ các mùi hỗn tạp rất khó chịu xộc vào mũi. Tôi đâu phải chỉ quen sống trong nhung lụa, nhưng cũng không thể chịu nổi cái không khí này, khó chịu quá đành phải mở cửa kính ra mà hít thở không khí trong lành bên ngoài xe.

Tôi thò đầu ra nhìn xuống dòng Lan Thương đang hối hả chảy dưới vách núi, hai bên bờ sông là vách đá dựng đứng, đúng là hiểm trở vô cùng, lòng sông không rộng, từ trên cao nhìn xuống, nước sông màu đỏ sẫm, uốn lượn chảy xuôi về Nam.

Tuyền béo mắc chứng sợ độ cao, người cứ run bắn không dám nhìn ra ngoài xe lấy một cái, chỉ lạu bạu nguyền rủa :" Mẹ thằng tài xế chết tiệt, nó dám giỡn ông thật hả. Mẹ nhà nó, nó lái xe hay làm xiếc vậy? Nó định lấy mạng ông Tuyền béo này thật đấy à? Nhất này, nếu không xuống xe, anh em ta sẽ phải lên bàn thờ mất thôi".

Shirley Dương cũng không quen đi xe cái kiểu như ngồi tàu lượn siêu tốc thế này, đành nhắm tịt mắt lại, không nhìn ra ngoài nữa, làm vậy ít nhiều cũng thấy yên tâm hơn một chút.

Tôi nói với Tuyền béo :" Cách mạng chưa thành công, chúng ta còn phải cố gắng. Cậu cố chịu đựng đi, nếu bây giờ xuống xe thì còn mong gặp vận may gì được? Cậu nghĩ mà xem, ngày trước hồng quân vượt núi tuyết, băng thảo nguyên kiên trì thế nào, một tẹo teo khó khăn trước mắt đã là gì! Tôi nói thật, mẹ kiếp cả tôi cũng sắp long hết cả xương cốt ra rồi đây này".
Một ông lái buôn trà người địa phương ngồi bên nói với chúng tôi :" Nom mấy chú ngắc nga ngắc nghẻo, cứ nốc viên thuốc chống say, đi vài chuyến kiểu này dần sẽ cảm thấy vông váo ngay thôi. Các chú định đi mô ta?"

Tiếng phương ngữ Vân Nam rất rối rắm khó hiểu, mà chuyến này chúng tôi lại không muốn tiếp xúc nhiều với dân bản địa, cho nên ông lái buôn trà nói gì, tôi không rõ và cũng không biết nên trả lời ra sao.

Ông lái buôn trà thấy tôi không hiểu mình nói gì, bèn nói với tôi bằng tiếng phổ thông ngọng nghịu :" Ý tôi là, thấy các chú khó chịu, không quen ngồi xe, đi quen thì ổn ngay. Các chú định đi đâu?"

Tôi thấy ông ta có vẻ như người bản địa thứ thiệt, vừa hay có thể hỏi thăm một chút về lộ trình, bèn nói :" Chúng tôi đi đổ... đổ ... đỗ ở viện bảo tàng, à không, chúng tôi ở Viện Bảo Tàng tự nhiên, muốn đến sông Rắn để bắt bướm cỡ đại. Muốn hỏi thăm bác từ đây đến núi Già Long còn bao xa? Chúng tôi xuống xe ở đâu là tiện nhất nhỉ?"

Ông ta chỉ về phía ngọn núi cao bên bờ sông ở đằng xa, nói :" Không xa nữa đâu, vòng qua chỗ núi uốn lượn kia, xuống xe, nơi đó là sông Rắn Bò, ngay dưới chân núi Già Long. Tôi cũng đến đó thu mua trà, các chú cứ xuống xe với tôi là được".

Tôi nhìn theo hướng ông ta chỉ, trái núi xám xịt hình cái bát khổng lồ vút cao đứng ở tận cùng con đường, sương bao phủ kín đỉnh, từ trong xe nhìn ra, trái núi tạo cảm giác uy nghi cao ngút đáng để ngước trông. Tuy đã ở trong tầm mắt, nhưng thấy núi chạy chết ngựa vẫn chưa đến nơi, đường thì quanh co ngoằn ngoèo, không hề gần tí nào. Có lẽ chúng tôi còn phải ngồi chịu trận trên cái xe nát này chừng hơn một giờ nữa.

Chúng tôi cùng ngồi ở hàng ghế cuối xe, tôi đang nói chuyện với ông lái buôn trà thì xe bỗng chao đảo dữ dội, hình như cán phải vật gì đó. Tay tài xế phanh gấp, hành khách đều xô nhào ngả ngốn, lập tức hỗn loạn nhốn nháo cả lên. Trong cơn rối loạn thấy ai đó kêu lên :" Chẹt chết người rồi". Tuyền béo nhiếc móc thằng cha tài xế tâm thần lái xe cẩu thả, mả cha nhà nó, không chẹt chết người mới là lạ! Cậu ta, tôi và Shirley Dương cùng ngó ra ngoài cửa kính sau xe.

Tôi vừa nhìn về phía sau một cái, đã thấy mặt mũi như tê dại, vội vàng lập tức đưa mắt nhìn chỗ khác, nếu nhìn nữa chắc sẽ nôn thốc nôn tháo ra mất. Tổ sư bà nó, cái đồ ma quỷ gì bị chẹt chết thế kia?

Gã tài xế nhảy xuống đất, chạy ra phía sau xem tình hình ra sao. Mặt đường chỗ đó có hai vệt màu xanh lục nhìn rõ mồn một, cuối vệt không phải là người mà là một pho tượng người bằng đá kích cỡ to bằng người thật bị xe tông vỡ tung ra. Tượng đá không ruột, mà chỉ có lớp ngoài bằng đá, bên trong rỗng không, bị cán vỡ thành mấy mảnh, bên trong lúc nhúc những con khiết trùng 3 màu trắng đang bò ra. Vô số con đã bị bánh xe nghiền nát bét, xác chảy ra một thứ nhớt màu lục, cảnh tượng kinh tởm khiến ai cũng thấy lợm giọng ghê cổ.

Gã tài xế nhìn một lượt, rồi giơ chân giẫm chết mấy con, nguyền rủa hôm nay sao mà xúi quẩy, tự dưng không hiểu ở đâu mọc ra tảng đá thối thây bên trong toàn là dòi bọ, làm thành xe bị lõm một miếng to tướng.
Từ trong cửa kính xe, Shirley Dương chỉ một mảnh đá trên mặt đường, nói với tôi :" Anh Nhất nhìn xem, pho tượng đá phỏng theo tạo hình thời Hán, liệu có phải là đồ từ thời Hiến vương không?"

Tôi gật đầu :" Đúng là có hơi giống nhưng sao tượng đá lại chỉ có lớp ngoài thôi nhỉ? Bên trong sao chứa lắm sâu bọ thế, lại bị xe tông vỡ rồi, chỉ nhìn bề ngoài thôi thì không dễ nhận ra đâu, cho nên không thể đoán bừa là đồ thời Hán được".

Tôi ngẩng đầu nhìn qua cửa kính lên phía trên. Vách núi cao ngất bao phủ mây mù, không thể nhận ra pho tượng ấy đã rơi xuống từ nơi nào, có thể là trên ngọn núi gầy nơi này có di tích gì đó, xem ra chúng tôi đã đi vào vùng cai trị của Hiến vương năm xưa rồi. Nhưng tại sao trong pho tượng này lại có lắm khiết trùng như vậy?

Tôi càng nghĩ càng cảm thấy không yên tâm, bèn hỏi ông lái buôn trà trước kia đã gặp phải chuyện tương tự chưa. Ông ta đáp :" Tượng đá thế này ở gần núi Già Long còn nhiều hơn nữa ấy chứ, đều chôn dưới đất cả, thỉnh thoảng có lở núi thì mới ngẫu nhiên lộ ra ngoài, bên trong lúc nhúc dòi bọ. Có người nói đó là quan tài hình người thời cổ, nhưng cũng chỉ là kháo nhau thế thôi chứ cũng không biết chắc đích xác nó dùng để làm gì. Dân địa phương đều rất ghét cái thứ này, cho là điềm gở, dự báo bệnh tật và chết chóc. Hôm nay đi xe gặp phải, coi như chúng ta đen đủi, mấy hôm nữa phải đến Ngọc Hoàng các để xin bùa bình an mới được".

Tôi e nếu quá sốt sắng hỏi han thì sẽ bị người ta nhìn ra sơ hở, nên không hỏi thêm nữa, chỉ nói chuyện với ông lái buôn trà về phong tục tập quán địa phương. Núi Già Long nằm ở vùng giáp ranh của tiểu khu tự trị dân tộc Bạch, có người Bạch, người Hán, cũng có một số ít người Cảnh Pha và người Thái, tháng Ba là tháng có nhiều lễ hội đông vui nhất, vào dịp đó tất cả già trẻ trai gái đều tụ tập ở chân núi Điểm Thương, có các loại lễ hội hát dân ca, hát đối ... vô cùng náo nhiệt.

Tôi chẳng hề hứng thú với những điều này, nên chỉ ậm ừ vài câu với ông lái buôn trà, rồi nói lảng sang chuyện khác, lại nói về núi Già Long, tôi viện cớ đi bắt bướm để hỏi ông ta về địa hình ở nơi ấy.

Ông ta nói, núi Già Long như cột mốc đánh dấu địa giới, dù là dân bản địa, cũng rất ít người vượt quả núi ấy sang phía bên kia. Bên đó có rất nhiều trùng độc, sương độc,sâu bọ ruồi muỗi sinh sôi nhiều vô kể, thung lũng thì ẩm thấp oi bức, chướng khí tràn ngập quanh năm, đã có rất nhiều người sang rồi mất tích, cho nên dân địa phương không ai muốn đi đến đó. Và, cũng vì núi Già Long quá cao, bên trên có vùng tuyết phủ quanh năm, thời tiết thay đổi thất thường, bất thình lình có thể có mưa đá, mưa rào, cuồng phong ... vừa nãy rành rành trời quang, chỉ sau chớp mắt đã u ám tối sầm, nếu không đi thành đoàn thành đội thì leo núi Già Long là chuyện cực kỳ mạo hiểm.

Từ sau sự cố chẹt phải pho tượng đá, tài xế cho xe chạy chậm lại, chắc đã thấy lo vì đụng phải cái thứ chẳng lành ấy nên gã ta cố gắng điều khiển xe chạy êm hơn, thêm nữa là cũng dần đi hết đoạn đường vách núi hiểm trở ấy, chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm. Tuyền béo cũng đã hồi sinh, lại vừa khéo nghe được mấy câu của ông lái buôn trà, không nén được hỏi :" Này, đang nói về núi nào, nghe có vẻ giống như núi tuyết năm xưa hồng quân đã lên? Có phải là cùng quả núi đó không?"

Tôi nói với Tuyền béo :" Ngày ấy hồng quân lên núi Giáp Kim, không liên quan gì đến núi Già Long ở đây cả, còn phải đi về phía Bắc một quãng xa nữa. Có điều sông Lan Thương chảy xiết dưới vách núi dựng đứng mà cậu thấy lúc nãy, thì cũng na ná như sông Kim Sa cách đây không xa. Nếu muốn tăng cường tư tưởng học tập tư tưởng truyền thống, cậu có thể nhảy xuống sông bơi một vòng để cảm nhận ý tứ trong thi từ của Mao chủ tịch "nước sông Kim Sa vỗ ấm vách núi cao", sau đó lại trèo qua núi Già Long, coi như đi lại tuyến đường trường chinh, vượt núi tuyết băng thảo nguyên".

Tuyền béo bác lại :" Đôi chân chiến sĩ chặng trường chinh, vượt sông Xích Thủy xuất kỳ binh, Ô giang hiểm trở không chùn bước, quân áp Quý Dương tới Côn Minh. Sách vở đều ghi rõ cả. Muốn đi lại đường trường chinh thì phải thật sự nghiêm chỉnh mà đi từ đầu, sao lại đi tắt ngang có một đoạn? Cậu có khuynh hướng đầu cơ chủ nghĩa rõ quá rồi đấy !".
--------------------------------
1 Câu trong bài hát "Tình thâm nghĩa trọng" rất nổi tiếng, ca ngợi cảnh sắc và con người Vân Nam.
2 Tựa như phù thủy, biết đầu độc người ta bằng các loài sâu độc ( truyền thuyết mê tín).
3 Theo sách cổ, là một loài sâu tựa như con ve ( Chú thích của tác giả).



MuaHeXanh1111
MuaHeXanh1111
Tổng số bài gửi : 907
Điểm : 1252
Chất lượng : 7
Join date : 31/10/2011
Age : 34
Đến từ : tpchm
http://pchymew.net/

[ST] Ma Thổi Đèn Tập 3 Empty Re: [ST] Ma Thổi Đèn Tập 3

Wed Feb 01, 2012 7:53 pm
Chương 2

QUÁN TRỌ THÁI VÂN

Chúng tôi đang tán gẫu thì xe dừng bánh, ông lái buôn trà vội vàng nhắc chúng tôi xuống xe, bảo rằng muốn đi núi Già Long thì xuống xe chỗ này là gần nhất. Ba chúng tôi xuống xe cùng ông ta, ngoài ra còn có hai phụ nữ người địa phương nữa, một người trạc ngoài ba mươi tuổi, lưng cõng đứa con, người kia chừng mười sáu mười bảy, cả hai đều trùm khăn trên đầu, mặc váy thêu hoa. Trang phục của họ đều nền trắng, dân ở đây tôn sùng màu trắng, có lẽ cùng là người Bạch cả. Tuy nhiên, những người dân tộc thiểu số này cũng chẳng ăn mặc sặc sỡ suốt ngày như chúng ta tưởng tượng, nếu không phải lễ tết thì họ không ăn vận trang trọng, vả lại, vùng này có rất nhiều dân tộc, nhiều khi cũng không dễ gì phân biệt được.

Tôi vốn chẳng muốn đi cùng những người này, nhưng ông lái buôn trà nhiệt tình nói, đi ở vùng dân cư thưa thớt này nên có bạn đồng hành để chăm sóc hỗ trợ nhau, đây là tập tục của địa phương.

Công việc ngày trước của Shirley Dương phải thường xuyên giao tiếp với thổ dân châu Mỹ, cô nàng hiểu rằng, người từ xa đến tốt nhất là hãy tuân thủ tập quán địa phương, nếu không sẽ rất dễ xảy ra xung đột không cần thiết, và thế là chúng tôi đành đi cùng ba người họ.

Nơi đây toàn núi cao thung lũng sâu, vắng tanh không bóng người, rừng núi điệp trùng, rặt là đường núi gồ ghề, quanh co khúc khuỷu. Hóa ra từ chỗ xuống xe đến núi Già Long vẫn còn rất xa, giờ tôi mới thấy mừng thầm, may mà không tách ra khỏi mấy người địa phương này, nếu không thì thật khó mà tìm được đúng đường.

Đi bộ khoảng hơn hai giờ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được chân núi Già Long. Ở đây không có dân cư thôn bản gì hết, cho dù có một số công nhân khai thác đá thì đều ở một nơi khá xa, dưới núi này chỉ có một quán trọ dành cho các lái buôn trà nghỉ ngơi ăn uống. Hai phụ nữ dân tộc Bạch đồng hành với chúng tôi chính là chủ quán trọ Thái Vân này, vừa đi mua sắm trở về. Từ đây đi ra khỏi núi một chuyến thực không dễ gì, vì thế một lần đi họ mua về rất nhiều thứ, khoác đủ các túi to túi nhỏ, lại địu thêm đứa bé nữa. Tôi và Tuyền béo học tập Lôi Phong 1, vai đeo vài chục cân thiết bị nhưng vẫn xách giúp mấy túi gạo và ớt, khi đi đến nơi đều đau lưng mỏi chân, mình mẩy rã rời.

Cả quán trọ chỉ có sáu người chúng tôi, dân địa phương rất chân chất thật thà, ra khỏi nhà không cần khóa cửa, khách qua đường có thể vào tự nhiên, trong ang có nước, trong nồi có bánh và gạo cứ việc nấu nướng ăn no ngủ kỹ đến sáng mai dậy, trước khi đi, đặt tiền vào hũ gạo. Lệ đó đã trở thành một quy tắc ước định, chưa từng có ai ăn uống xong mà không trả tiền.

Chị phụ nữ người Bạch cõng đứa con nhỏ là chủ quán trọ Thái Vân - một góa phụ trẻ tuổi. Cô gái tầm mười sáu mười bảy kia là em chồng, người Hán, tên tục là Khổng Tước, có đôi mắt to, rất linh lợi đáng mến, cô mặc quần áo người dân tộc trông xinh hơn hẳn các cô gái địa phương. Ở chân núi Già Long này chỉ có nhà họ là nơi có thể dừng chân ăn ngủ. Cách nhà họ về phía Nam đi chừng một ngày đường là nơi trồng thứ trà hương gọi là Vụ đỉnh kim tuyến. Các lái buôn thường đến đó để thu mua lá trà, mỗi lần đi qua, đều phải vào quán trọ Thái Vân này nghỉ ngơi.

Bà chủ quán rất cảm kích vì được chúng tôi xách giúp hành lý, vừa bước vào nhà đã bảo Khổng Tước nhóm lửa thổi cơm mời. Lát sau Khổng Tước bưng trà ra, Tuyền béo đón lấy chén trà bưng lên ngửi, tấm tắc khen :" Thơm quá! Là trà gì vậy, cô em? Có phải trà Phổ Nhĩ đặc sản Vân Nam không?"

Khổng Tước trả lời :" Không phải ạ. Đây là trà hương Vụ đỉnh kim tuyến trồng ở núi này, pha bằng nước tuyết tan róc xuống, mỗi lá trà cứ như làm bằng vàng. Anh uống thử xem có ngon không?"

Tuyền béo nói :" Chưa uống và cũng chưa cần xem là ai pha đã biết ngay là trà ngon". Nói rồi cậu ta rút thuốc lá ra mời tôi và ông lái buôn trà. Chúng tôi vừa nhấp trà vừa hút thuốc, chờ bà chủ dọn cơm.

Trước mặt Khổng Tước, Tuyền béo cố phô diễn sự hiểu biết của mình, lại rút ra một bao Hồng Tháp Sơn, nói với ông lái buôn trà :" Ông bác biết không, hút thuốc cũng phải sành điệu, vừa nãy hút Vân Yên, bây giờ chuyển sang Hồng Tháp Sơn, là rất có ý nghĩa đấy. Như thế này, ở Bắc Kinh, thường nói là "Tháp sơn bất đảo vân thường tại" 2

Khổng Tước không hứng thú gì với cái lý luận thuốc lá ấy của Tuyền béo, nhưng rất tò mò về mấy chiếc vợt bắt côn trùng của chúng tôi, bèn hỏi Shirley Dương :" Mọi người đến núi Già Long bắt bướm phải không?"

Shirley Dương không muốn nói dối cô gái, đành để cho Tuyền béo đứng ra giải thích. Tôi lại lo Tuyền béo ba hoa quá trớn, lỡ lời thì lộ tẩy. Mấy cái công tác kích động quần chúng cách mạng kiểu này nên để người có tiềm chất làm chính ủy như tôi đảm đương thì hợp hơn.

Vậy là tôi bảo với Khổng Tước rằng ba chúng tôi đều từ thủ đô đến, công tác tại Viện Bảo tàng Tự nhiên,chuyên đi sưu tầm các loài bướm lạ quý hiếm trên thế giới. Lần này về đây để bắt bướm, sau đó chế thành các tiêu bản đưa về Bắc Kinh triển lãm, để những người nước ngoài đến thăm tổ quốc vĩ đại của chúng ta được mở rộng tầm mắt, cho họ biết bướm Vân Nam là thế nào. Việc này không chỉ để bù lấp những khiếm khuyết trong lĩnh vực nghiên cứu tiêu bản bướm của nước ta, mà còn có thể tăng thêm thu nhập cho nhà nước, nhằm sớm thực hiện mục tiêu bốn hiện đại hóa, sáng tạo nên những thành tựu rực rỡ trên con đường trường chinh mới của thời kỳ cải cách mở cửa ... Xét từ mọi góc độ, công tác của chúng tôi là sự nghiệp vĩ đại có lợi ngàn năm cho nước cho dân, là một công tác nghiên cứu khoa học mũi nhọn có tầm chiến lược rất cao, ý nghĩa hiện thực không kém gì chương trình đổ bộ lên mặt trăng của nhân loại.

Nào ngờ bài diễn thuyết không chỉ khiến cho Khổng Tước rất cảm động, mà ngay Tuyền béo và ông lái buôn trà cũng phải nghệt ra nghe. Ông lái buôn trà hỏi :" Thì ra mua vào bán ra vẫn chẳng đâu vào đâu... Anh Nhất này, ý tôi nói là bươm bướm mà có giá trị như thế kia à? Thế thì tôi chẳng đi buôn trà nữa, tôi theo các vị đi bắt bướm được không?"

Shirley Dương đeo kính râm ngồi bên, nghe tôi lòe Khổng Tước như thế,không nhịn được nữa bèn bật cười, trông điệu bộ cô nàng cũng thật là có nét như nữ đặc vụ Quốc dân Đảng, hình như cô nàng đang cười nhạo tôi và chờ xem tôi kết thúc ra sao cho êm đẹp.

Tôi thầm nghĩ thế này thì dở rồi, mình trót ba hoa quá trớn, bèn vội trả lời ông lái buôn trà :" Đã làm công tác cách mạng thì không phân biệt cao thấp sang hèn, mà chỉ là do cách mạng phân công khác nhau, buôn trà cũng thế, bắt bướm cũng vậy, đều là góp thêm những viên gạch viên ngói để xây dựng bốn hiện đại hóa, thiếu vắng ai cũng không được. Mỗi chúng ta đều là một chiếc đinh vít của chủ nghĩa xã hội, nếu ông anh bỏ nghề buôn trà để đi bắt bướm, thì nhân dân ta cũng không thể chỉ xem bướm mà không uống trà, đúng không? Thực ra người nước ngoài cũng rất khoái uống trà, văn hóa trà có nguồn gốc lâu đời, khắp thế giới đều có vô số người hâm mộ văn hóa trà, người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc là Hoàng Thân Sihanouk rất mê thưởng thức các loại danh trà. Cho nên, buôn trà cũng là một công tác rất quan trọng và rất có ý nghĩa ..."

Đúng lúc này chị dâu của Khổng Tước gọi cô vào giúp dọn cơm, tôi bèn thừa cơ ngừng bặt không nói nữa. Ăn quấy quá cho xong, tôi bước ra ngoài quán trọ giương ống nhòm quan sát địa thế núi Già Long. Đỉnh cao nhất của nó vươn thẳng xuyên mây, hai bên vách núi dựng đứng, nhấp nhô trải dài không biết đâu mới là tận cùng, cũng không thể nhận ra trên đỉnh núi là mây trắng hay là tuyết phủ. Mây mù ở đây dày đặc, có tầng có lớp hẳn hoi, từ sườn núi bắt đầu thấy lác đác sương mỏng và những làn khói xanh, càng lên cao mây càng dày, các đám mây bị núi ngăn chụm lại với nhau, toàn cảnh ngọn núi cao nhất của Già Long trông tựa như một dũng sĩ giáp xanh mũ trắng đứng sừng sững giữa cánh rừng bát ngát.

Dưới chân núi là cánh rừng mênh mông trải rộng, thác nước và cây cối trăm dáng nghìn vẻ, thực là một cảnh tượng thiên nhiên tuyệt đẹp. Núi non sông suối trong vùng về cơ bản là phù hợp với tấm bản đồ da người. Nằm sâu trong thung lũng ở phía sau núi rừng bạt ngàn này chính là mộ của Hiến vương mà chúng tôi cần tìm, trong mộ liệu có viên Mộc trần châu hay không thì chẳng ai chắc chắn cả.

Nghĩ đến cái trùng thuật 3 quái ác, lại còn cả đám dòi bọ lúc nhúc gặp phải trên đường kia, tôi không khỏi nảy sinh tâm lý sợ hãi đối với mộ Hiến Vương. Tuy nhiên đã đến đây rồi thì đành liều vậy, đã đến trước núi Già Long thì chỉ còn cách dẫn bước chứ không thể lùi, những chuyện tiếp theo đành cầu xin ngài tổ sư Mô Kim phù hộ.

Sáng sớm mai ông lái buôn sẽ lên đường đi thu mua lá trà, nên cơm xong đã vội tranh thủ vào gian trong đi ngủ cho sớm. Tuyền béo và Shirley Dương ăn cơm xong cũng ra ngoài đi dạo, chúng tôi cùng ngẩng nhìn quả núi lớn ở ngay trước mặt. Muốn đào mộ Hiến vương thì phải vượt núi Già Long cao chọc trời, vượt như thế nào là một câu hỏi quá khó, nhìn trái núi vút cao hiểm trở, ba chúng tôi đều nhăn mặt cau mày.

Ngày trước bọn lão mù phải tìm một người dân địa phương dẫn đường, trải bao gian nan hiểm trở mới vượt qua được núi tuyết, leo núi mà không có người dẫn đường là một việc hết sức nguy hiểm, nhưng vừa nãy chúng tôi hỏi bà chủ quán trọ, được trả lời rằng những người có thể dẫn đường vượt núi Già Long đều đã chết ráo cả rồi, bao năm nay có lời đồn đại rằng trên núi có ma nên chẳng còn ai dám lên đó nữa.

Chúng tôi đang bế tắc chợt nghe Khổng Tước nói :" Anh chị muốn sang thung lũng bên kia bắt bướm thì có một con đường ngầm dưới núi Già Long đấy, có thể thả bè xuôi theo dòng nước mà đi xuyên qua núi, chứ không cần vượt núi đâu. Nhưng ở bên đó từng có nhiều người bỏ mạng, ma quỷ thường hay hiện lên lắm".

Trên bản đồ da người đã chỉ dẫn có hai con đường để đi vào Trùng cốc, một là vượt qua hẻm hút gió trên núi Già Long, hai là đi theo sông Rắn vòng qua núi Già Long. Lối này phải đi xuyên qua khu rừng nguyên sinh đầy hiểm nguy rình rập nằm giữa sông Lan Thương và Nộ Giang, mặc dù khoảng cách đường chim bay trên bản đồ không xa lắm, nhưng ai đã từng vào rừng nguyên sinh cũng đều biết rằng hành trình thực tế sẽ dài gấp cả chục lần thậm chí hai chục lần so với dự kiến, mà trong ấy lại có cả đầm lầy nữa, chẳng khác nào một địa ngục màu xanh.

Cả hai tuyến đường đều rất khó đi, so ra thì con đường vượt qua núi Già Long cao hơn ba nghìn mét trên mực nước biển kia có tính khả thi hơn, nhưng mạo hiểm vượt núi mà không có người dẫn đường đâu phải chuyện đùa, nói không chừng xuất quân chưa đến đích thì toàn quân đã bị gục toi đời trên núi rồi.

Lúc này nghe Khổng Tước cho biết còn một con đường tắt khác nữa, chúng tôi liền vội vàng vặn hỏi cặn kẽ, song Khổng Tước cũng chỉ biết đại khái, nên chúng tôi đành đi tìm bà chủ quán trọ hỏi chuyện. Chị ta cho biết khu vực chân núi Già Long ( dân địa phương gọi là núi Ai Đằng, nghĩa là rồng không đuôi) có vô số hang động đan xen như mạng nhện, tương truyền là do dân chúng thời xưa đào ra, trước đây từng có thổ phỉ ẩn nấp để chống lại quan binh triều đình. Địa hình phức tạp ở núi này khiến quan binh cũng phải bó tay, chỉ còn cách dùng đá bịt kín các cửa hang, chôn sống luôn đám người phản loạn. Từ đó mỗi khi có lễ hội Vầy Biển (3), nếu áp tai vào vách núi Già Long ta có thể nghe thấy những tiếng hú gào kêu khóc tuyệt vọng trong hang núi.

Tất nhiên đây chỉ là một truyền thuyết dân gian của địa phương, còn chuyện hang động được xây dựng vào thời nào triều nào, do ai đào, đào để làm gì, đám thổ phỉ trong hang là hạng người nào, có phải là những người dân tộc thiểu số muốn chống lại sự áp bức bóc lột nên đã vùng lên phản kháng, hay rốt cuộc là gì, thì đến nay vẫn chưa có ai khẳng định rõ được.

Tuy nhiên, những năm gần đây có người khai thác đá phát hiện thấy một hang động, bên trong có dung nham, chính là một dòng sông chảy ngầm, xuyên qua núi rồi đổ vào sông Rắn bên kia núi Già Long, lòng sông khá sâu có thể thả bè đi xuôi dòng được, có con đường thủy này rồi khỏi phải lo lạc lối trong hệ thống sơn động chằng chịt giữa lòng núi. Vì địa hình khá bằng phẳng, nước chảy không xiết, lúc đi có thể thả bè xuôi theo dòng nước rất đỡ tốn sức, khi quay lại dẫu phải chèo chống cũng không mệt nhọc là mấy, tóm lại là tiện lợi hơn nhiều so với vượt núi.

Cuối cùng bà chủ quán nhắc chúng tôi rằng, đó là đường tắt rất thuận tiện, nhưng hai bên bờ sông có rất nhiều hài cốt đủ hình đủ vẻ kỳ quái, chẳng rõ là ai chết ở đó từ bao giờ, người nào yếu bóng vía chắc sẽ sợ phát ốm. Đã vài lần có người đi bè vượt các hang động sang đến bên kia, nhưng một là Trùng cốc bên đó chướng khí rất nặng, hai là vì bên đó tịnh không bóng người, sang đến nơi cũng chẳng có ý nghĩa gì, cho nên bấy lâu nay không có ai đi nữa. Nếu định đi đường tắt ấy cho gần thì phải rất cẩn thận.

Tôi nói với chị ta :" Điều này thì chẳng lo, chúng tôi sang Trùng cốc bên đó bắt bướm về làm tiêu bản là để phục vụ nhân dân, chúng tôi đều theo chủ nghĩa duy vật, sao lại sợ người đã chết? Đã biết có đường tắt lại không đi, thì là ngớ ngẩn à? Huống chi đã có người đi về suôn sẻ cả, chứng tỏ bên đó chẳng có ma quỷ gì, có lẽ chỉ là những ngôi mộ cổ của người thời xưa mà thôi".

Tôi nhớ ra khi nãy đứng ngoài cửa nhìn thấy tờ chứng nhận gia đình liệt sĩ, bèn hỏi chị chủ quán, thì ra anh trai của Khổng Tước là liệt sĩ hy sinh ngoài mặt trận. Lúc này tôi mới nhớ ra chiến sự ở vùng biên phía Nam đến nay vẫn chưa ngớt. Đi Vân Nam chuyến này nếu có dịp cũng nên đi thăm nghĩa trang của các chiến hữu, không thể chỉ vì ham phát tài mà quên cả gốc rễ được.

Tôi lại hỏi chị chủ quán xem ở gần đây có người dùng súng săn không, chúng tôi muốn thuê vài cái để phòng thân. Bà chủ liền bảo Khổng Tước vào nhà trong cầm ra một cây súng hơi "Kiếm Uy", là loại bắn đạn sắt, ngày trước anh trai Khổng Tước thường khoác súng này vào rừng bắn chim. Chị chủ quán rất tốt bụng, đồng ý cho chúng tôi mượn súng, cũng không cần tiền đặt cọc, chỉ cần khi về trả lại là được.

Tôi có phần thất vọng, những tưởng ít ra cũng kiếm được súng săn hai nòng chứ kiểu súng hơi này có khác gì đồ chơi, nhưng cầm lên nhìn kỹ, phát hiện ra súng khá tốt, được giữ gìn rất ổn, hơn nữa không phải loại súng nòng cỡ nhỏ bình thường, có thể bắn đạn sắt cỡ trung bình, xạ trình khá xa, thân súng cũng đủ nặng và chắc chắn, đừng nói là bắn chim đã, bắn chó sói cũng không vấn đề gì, nhược điểm duy nhất là chỉ có thể bắn phát một, sau mỗi lần bắn lại phải nạp đạn.

Lúc này có còn hơn không, hiện giờ quanh đây cũng chẳng kiếm được loại nào tốt hơn, tôi bèn ném cho Tuyền béo để cậu ta làm quen, cứ tạm thời để cậu ta sử dụng súng "Kiếm Uy" này vậy.

Tôi cảm ơn chủ quán, tối ấy ba chúng tôi nghỉ qua đêm ở ngay quán trọ Thái Vân. Tôi và Tuyền béo đều ngủ rất say, không nghĩ ngợi gì hết, gạt bỏ mọi nỗi vất vả gian lao trong ngày sang một bên. Đúng là "một giấc ngủ say, cả ngày khoan khoái", mãi đến khi mặt trời lên cao ba con sào, bị Shirley Dương véo tai gọi, chúng tôi mới hết sức miễn cưỡng bò dậy.
--------------------------------
1 Một anh bộ đội Trung Quốc ( trong thập kỷ 60-70) được coi là điển hình chí công vô tư, hết lòng vì mọi người.
2 Núi có tháp không bị đổ thì mây vẫn còn đó, ở đây có hàm ý chơi chữ.
3 Lễ hội truyền thống của người dân tộc Bạch ở Vân Nam, còn gọi là ngày lễ Vớt Xác, để tưởng niệm một vị anh hùng đã xuống biển diệt quái vật trừ hại cho dân. Hằng năm, vào ngày giỗ của ông, người Bạch đều xuống biển mô phỏng lại cảnh năm xưa đoàn thuyền vớt xác ông lên.

MuaHeXanh1111
MuaHeXanh1111
Tổng số bài gửi : 907
Điểm : 1252
Chất lượng : 7
Join date : 31/10/2011
Age : 34
Đến từ : tpchm
http://pchymew.net/

[ST] Ma Thổi Đèn Tập 3 Empty Re: [ST] Ma Thổi Đèn Tập 3

Wed Feb 01, 2012 7:53 pm
Chương 3

CHIẾN DỊCH HỒ ĐIỆP


Ông lái buôn trà đã dậy sớm và lên đường đi làm ăn từ lâu. Chúng tôi đánh răng rửa mặt xong thì thấy chủ quán đã chuẩn bị giúp khá nhiều lương khô, có cả thảo dược phòng sâu bọ nữa, lại còn bảo Khổng Tước dẫn đường, đưa chúng tôi đến cửa hang động ở chân núi Già Long, chỗ có một rừng tre khá rộng, có thể chặt vài cây bương vầu để đóng bè.

Chúng tôi luôn miệng cảm ơn chị chủ quán, rồi mang vác trang thiết bị tiến vào cánh rừng sau lưng quán trọ Thái Vân. Rừng ở đây chủ yếu toàn cây long não hươ 1, rồi đến cây hương quả, đại đỗ quyên và lác đác cây ngân diệp quế, trên một khoảnh hơi trũng tre trúc mọc xanh mướt một màu thật thích mắt, đường thủy đi vào núi Già Long cách đây không xa.

Tôi nhận rõ địa điểm, rồi bảo Khổng Tước quay về kẻo chị dâu đợi ở nhà lại sốt ruột. Tuyền béo nói với tôi :" Nhất này, chi bằng bảo cô em này dẫn đường cho chúng ta luôn nhỉ, có cô em biết hát biết múa cùng đi cũng đỡ buồn".

Tôi bảo Tuyền béo thôi đi, đâu phải chúng ta đi du lịch ngắm cảnh, tôi có linh cảm chuyến đi này sẽ không mấy thuận lợi, cứ có cảm giác hình như mộ Hiến vương ở Trùng cốc ấy có ẩn họa rất lớn, khó tránh khỏi phải có những hành động dữ dội, cứ gì cô gái trẻ này, mà ngay những người dẫn đường khác chúng ta cũng không cần, có bản đồ da người tham khảo là đủ rồi, đông người đi chỉ tổ rách việc.

Tuyền béo gật đầu :" Nói có lý đấy, đừng để cái bánh tông lão khú đế Hiến vương làm cho cô em phải phát hãi, vả lại có mặt người ngoài thì chúng ta cũng không tiện nẫng các đồ minh khí. Chỉ có ba chúng ta thì tha hồ lăn lộn, tranh thủ kết thúc việc hệ trọng này cho sớm, sau đó trở về Vân Nam xả láng một phen".

Shirley Dương nói với tôi và Tuyền béo :" Mây mỗi lúc một dày nặng, e rằng sắp trở trời, chúng ta phải nhanh tay đóng bè để tranh thủ mà vào núi trước khi trời đổ mưa".

Vậy là chúng tôi không khề khà nữa, tôi và Tuyền béo xách dao bước ra chặt những cây tre to vâm, Shirley Dương phụ trách phạt bỏ cành lá rườm rà, phân công hợp tác nhịp nhàng nên công việc tiến triển rất nhanh.

Ngày trước đi lao động ở Đại Hưng An Lĩnh - Nội Mông, tôi và Tuyền béo đều từng giúp việc ở lâm trường, không có đường cái và ô tô để vận chuyển gỗ thô, mà toàn thả từng cây từng cây trôi sông xuôi về phía hạ lưu. Ở Phúc Kiến có những nơi kênh rạch dọc ngang, giao thông rất bất tiện, người ta cũng hay đi bè, cho nên chúng tôi chẳng lạ gì những việc như thế này.

Nếu đóng bè để sử dụng lâu dài quanh năm thì khá là phiền hà, tre phải được tẩm dầu nóng đã mới dùng được, lại còn phải thêm một số công đoạn khác nữa, nhưng chúng tôi chỉ cần dùng một hai lần, vì vậy hoàn toàn có thể bỏ qua các công đoạn rườm rà không cần thiết ấy.

Shirley Dương vào hang thăm dò xem đường thủy nông sâu, dòng chảy thế nào, ước tính bè chở được ba chúng tôi cùng các trang bị chỉ cần sáu cây tre to bằng bắp đùi là đủ.

Hì hục mất một lúc, cuối cùng chúng tôi cũng đóng xong cái bè không lớn lắm, buộc dây thừng kéo vào hang núi, chân trước vừa bước vào, chân sau vẫn ở ngoài thì đã nghe sau lưng sấm rền vang, mưa đổ ập xuống.

Đây là một cái hang đá vôi, vào trong đi xuôi xuống dốc chừng hơn chục bước đã thấy dòng sông chảy dưới chân. Có điều, gọi nó là sông chi bằng gọi nó là dòng suối sâu thì đúng hơn, mặt nước thấp hơn nền hang chừng một mét, nước sâu khoảng hơn ba mét, tốc độ chảy rất chậm, rất có thể đây là một nhánh của sông Lan Thương, nửa đầu chảy ngầm dưới đất, đến hang này có địa thế thấp nên mới lộ ra.

Hang rất rộng, tôi chiếu đèn pin mắt sói vào vùng tối trong hang, thấy độ cao thấp chênh nhau rất lớn, chỗ rộng có thể lái được cả xe tăng vào, chỗ trũng và hẹp trần chỉ cao chừng hơn một mét, có rất nhiều nham thạch hình thành từ ngàn năm trước với muôn hình vạn trạng hết sức kỳ lạ.Nơi đây mới chỉ là lối vào hang, phía sâu trong kia sẽ càng phức tạp, nếu đi bè thì rất có thể có chỗ phải nằm rạp xuống mới trôi qua được. Ngoài tiếng nước đang chảy róc rách, trong này yêu tĩnh lạ thường, cũng không hề nghe thấy tiếng sấm tiếng mưa ngoài kia. Nơi đây như là một thế giới trong lòng đất cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Chúng tôi đẩy chiếc bè xuống nước, tôi lập tức nhảy lên rồi chống một cây sào đằng mũi để giữ bè đứng yên không bị nước cuốn trôi. Sau đó Shirley Dương nhảy lên, thấy thế tôi liền bước vài bước về phía mũi, cô nàng cũng cùng lúc bước về phía sau để bè được thăng bằng.

Tuyền béo lần lượt chuyển lên bè ba chiếc ba lô leo núi cỡ lớn đựng đầy các trang thiết bị, cùng hai chiếc vợt bắt côn trùng, sau đó nhảy lên giữa bè. Cậu ta vừa lên thì cả chiếc bè hơi chìm xuống. Shirley Dương vội kéo hai chiếc ba lô về phía đuôi bè nơi cô đang đứng, tôi kéo một chiếc lại dưới chân mình, vậy là bè đã tạm thăng bằng.

Chúng tôi hoàn tất công tác chuẩn bị cuối cùng ở trên bè. Vì trong hang có rất nhiều nhũ đã buông xuống, để tránh bị va đập vỡ đầu, chúng tôi đều đội mũ leo núi chuyên dụng có gắn đèn chiếu chiến thuật có thể dùng từ sáu đến tám giờ đồng hồ.

Cuối cùng tôi lắp ở phía mũi bè chiếc đèn pha rọi sáng cực mạnh, loại đèn rọi này rất tốn năng lượng, không thể dùng lâu, cách một hai phút mới bật một lần để nhận định tình hình hang động phía trước.

Tuyền béo ngồi ở giữa bè cầm ngang một cây sào để giữ thăng bằng, thấy tôi lúi húi mãi vẫn chưa lắp xong đèn rọi bèn sốt ruột hỏi :" Sao thế Nhất, hôm nay có định đi hay không? Tôi nóng lòng muốn đi moi minh khí của thằng cha Hiến vương lắm rồi".

Tôi chỉ còn nốt hai cái chốt là lắp xong, bèn ngoái lại nói :" Giục gì mà giục? Mộ Hiến vương ở Trùng cốc , ta đi muộn vài phút nó mọc chân chạy mất sao?"

Shirley Dương ngồi phía đuôi bè nói với hai chúng tôi :"Này hai anh đừng cãi cọ nữa. Tôi có một đề nghị: người Mỹ có thói quen mỗi lần có chiến dịch quân sự đều đặt tên hiệu, lần này chúng ta đi Vân Nam là đổ đấu ngôi mộ Hiến vương, chi bằng cũng nên đặt một cái tên hiệu. Làm thế đương nhiên không phải là vô nghĩa, mà thể hiện rõ tính kế hoạch và tính mục đích của chúng ta".

Tuyền béo trả lời Shirley Dương :" Đây là địa bàn của người Trung Quốc, cái gu của thằng Mỹ không ăn nhập gì đâu. Tuy nhiên cô sỹ quan của đoàn cố vấn Mỹ đã đề xuất thì chúng ta đặt tên là chiến dịch mò minh khí đi, nói thẳng vào đề, không mơ hồ gì hết, tức là đi khui đồ tùy táng".

Tôi đã lắp xong cái chốt cuối cùng cố định chiếc đèn rọi cực mạnh, quay lại nói với Tuyền béo :" Ông nói thẳng tuột như thế thì e là dung tục quá. Nhưng cái đề nghị này cũng rất hay, chiến dịch Normandy của quân đội Đồng minh năm xưa đã đập tan dinh lũy Đại Tây Dương của Đế chế thứ ba, rút ngắn cuộc Đại chiến thế giới thứ hai lại. Chúng ta cũng nên đặt một cái tên hay hay cho lần thám hiểm này để có được chút khởi đầu may mắn, hy vọng sẽ xuất quân thắng lợi, mã đáo thành công. Lần này chúng ta dùng chiêu bài vào Trùng cốc bắt bướm, theo tôi nên gọi là chiến dịch Hồ Điệp! Tôi xin tuyên bố, chiến dịch Hồ Điệp bắt đầu".

Nói rồi, chẳng để ý xem Shirley Dương và Tuyền béo có đồng ý không, tôi bật luôn đèn rọi, nhìn rõ địa hình phía trước, nhổ cây sào chặn ở mũi bè, nước từ từ đẩy bè trôi xuôi dòng, chầm chậm tiến sâu vào lòng núi Già Long.

Gặp những chỗ hẹp, Tuyền béo bèn dựng cây sào đang cầm chống xuống đáy nước, phối hợp với tôi giữ cho bè thăng bằng. Chiếc bè tre nho nhỏ uốn lượn trôi trên dòng nước trong hang, chỉ hiềm bốn bề tối đen như mực, nếu không bật đèn rọi thì không nhìn thấy gì hết, bằng không có lẽ chúng tôi đã hát vài câu dân ca miền núi rồi.

Khác với thời tiết nóng ẩm bên ngoài, đi bè xuôi dòng trong hang càng vào sâu càng thấy gió lạnh hun hút, thỉnh thoảng lại thấy chập chờn đốm lân tinh lập lòe xa xa, chứng tỏ trong hang có xương cốt động vật, xem chừng nơi đây chưa hẳn đã là một thế giới không có sự sống.

Ngồi trên bè cũng cảm nhận được có rắn nước hoặc cá nhỏ đang bơi lội, tôi thử thò tay nhúng xuống nước, lạnh buốt thấu xương. Vân Nam là miền đất thời tiết quanh năm như mùa xuân, nước lạnh như thế này thực là rất hiếm thấy, có lẽ là nước do tuyết tan từ trên đỉnh núi Già Long chảy xuống tận đáy.

Shirley Dương nói hiện tượng này không liên quan gì đến băng tuyết cả, chỉ là vì nhiệt độ trong hang và bên ngoài chênh lệch nhau tương đối lớn, cơ thể người sẽ nảy sinh ảo giác, sau khi đã thích nghi sẽ không thấy lạnh thế nữa. Ngoài ra cái hang này cũng không thấy có dấu vết của bàn tay con người đục đẽo, dường như hình thành một cách tự nhiên thuần túy thì phải.

Trong khi chúng tôi trò chuyện, tốc độ dòng chảy đột nhiên thay đổi, bỗng chảy nhanh hơn đáng kể, chúng tôi đều bắt đầu căng thẳng, chỉ một chút sơ suất là cái bè con có thể bị lật ngay. Shirley Dương cũng nhặt một cây sào ngắn lên, cùng chúng tôi cố giữ cho bè thăng bằng, lòng sông quanh co hơn trước, thỉnh thoảng lại gặp một chỗ rẽ ngoặt.

Tôi không thể ngơi tay bật tắt đèn rọi được nữa, đành để cho nó cứ sáng vậy, nào ngờ từ xa đã nhìn thấy rất rõ cảnh sắc kỳ lạ ở phía sâu trong hang, thật khó mà tưởng tượng được, thêm vào đó ánh sáng đèn chỉ quét lướt qua, cho nên những thạch nhũ quái dị nhấp nhô rủ xuống cứ thấp thoáng hiện ra rồi lại ẩn mình trong bóng tối, khiến chúng tôi càng có cảm giác đang đi vào một mê cung mộng ảo với muôn màu ánh sáng thần kỳ.

Lòng sông chợt rộng ra, có vài dòng nước nhỏ tụ vào dòng chính, nước cũng chảy chậm lại, luồng ánh sáng từ chiếc đèn rọi cũng không bị chao đi dữ dội như lúc nãy nữa.

Ánh đèn chiếu tới, vách hang ở đôi bên bờ sông toàn là những tầng nham thạch nhẵn bóng xếp thành lớp lang kiểu ruộng bậc thang, trông như những làn sóng biển xô chồng lên nhau, thật chẳng khác gì một đại dương nhũ bạc đã bị đông cứng. Một quả cầu đá tự nhiên khổng lồ màu đỏ thắm treo lửng lơ chính giữa sông, phía sau quả cầu ấy, dòng nước chảy vào miệng một con thú khổng lồ bằng đá, con thú đá ấy tựa như hổ lại giống sư tử, trông như thể nó đang há cái miệng to như cái chậu máu điên cuồng gầm rú với bộ nanh sắc nhọn, đang định đớp quả cầu đá kia. Thời gian đã dừng lại ở khoảnh khắc đó khiến tư thế của con vật như đông cứng lại, có lẽ nó đã tồn tại ở đây hàng ngàn vạn năm cũng nên.

Dòng sông chảy vào cái miệng khổng lồ ấy, chúng tôi như đối diện với một cái cổng đi vào địa ngục, tim đập dồn dập, hơi thở trở nên nặng nề, tay đang cầm cây sào giữ thăng bằng cũng càng lúc nắm càng chặt hơn.

Một nơi nổi bật rõ rệt như thế này, sao không thấy chủ quán trọ Thái Vân nhắc đến, chẳng lẽ dòng sông này đã đổi dòng đi hướng khác? Dưới ánh đèn rọi cực mạnh, có thể nhìn thấy phía trong miệng con thú treo vô số tượng người cổ xưa bằng đá, trông giống như pho tượng đá rỗng ruột bị ô tô chẹt vỡ bên trong lúc nhúc dòi bọ, mỗi khi nhớ lại cảnh tượng đó tôi vẫn thấy lợm giọng ghê cổ, nào ngờ lại gặp lại những pho tượng này ở đây.

Ba chúng tôi ngồi trên bè nhìn nhau không nói được một câu, chẳng rõ Shirley Dương và Tuyền béo nghĩ gì khi thấy cảnh tượng này, riêng tôi bỗng có một linh cảm rất bất an, hình như chỉ cần đi qua đây, trong hang động tối đen như mực này, tay chúng tôi sẽ đụng tới một màn sương mù dày đặc từ thời viễn cổ.
--------------------------------
1 Hopea mollissima, cây gỗ nhiệt đới, là giống cây quan trọng cấu thành nên dải rừng mưa nhiệt đới tại Vân Nam Trung Quốc, đang có nguy cơ tuyệt chủng.



MuaHeXanh1111
MuaHeXanh1111
Tổng số bài gửi : 907
Điểm : 1252
Chất lượng : 7
Join date : 31/10/2011
Age : 34
Đến từ : tpchm
http://pchymew.net/

[ST] Ma Thổi Đèn Tập 3 Empty Re: [ST] Ma Thổi Đèn Tập 3

Wed Feb 01, 2012 7:54 pm
Chương 4

TREO NGƯỢC


Chúng tôi đâu được phép nghĩ lâu, dòng nước đã đẩy bè trôi về hướng cánh cửa hình miệng thú trong sơn động, quả cầu đá tự nhiên ấy treo lửng lơ rất thấp, chúng tôi vội cúi rạp, ép sát người trên bè để tránh.

Đúng lúc bè sắp trôi vào miệng con thú đá, chiếc đèn rọi cực mạnh gắn ở phía trước nhấp nháy vài lần rồi tắt ngúm, có lẽ là vì bật sáng liên tục quá lâu nên ắc quy đã cạn sạch.

Tôi nghĩ bụng :" Gay rồi. Đúng lúc này ắc quy lại cạn chứ, hang động phía trước hết sức quái dị, không thể chủ quan, phải thay ắc quy trước đã, kéo bè trôi vào trong sa vào đá lật úp mất".

Tôi giơ nắm đấm lên với Tuyền béo và Shirley Dương, ra hiệu dừng lại, để họ cùng phối hợp dừng bè trước cửa hang, sau đó chống cây sáo trong tay xuống đáy để neo lại, may sao chỗ này nước chảy chậm, nếu không, chỉ một cây sào thì khó mà chống nổi sức nặng của cả chiếc bè thế này kéo đi.

Tôi thay ắc quy đèn, nó lại sáng như trước, dưới cột ánh sáng mạnh màu da cam, nhìn rõ cái đầu con thú hình thành bởi nham thạch tự nhiên nom rất giống một cái đầu rồng kỳ dị, đường nét rất mơ hồ nên không thể nhận ra có dấu vết của bàn tay con người tham gia tạo dựng hay không.

Tuyền béo vỗ vào vai tôi, ra hiệu đã nhổ cây sào giữ thăng bằng lên rồi, thấy vậy tôi cũng nhổ cây sào chặn phía trước, bè trôi theo dòng nước, lọt vào cái miệng rồng quái dị gớm ghiếc, tiến vào sơn động.

Đoạn sông này rất hẹp và rất sâu, phía trước thẳng như ruột ngựa, chúng tôi cầm cây sào chọc vào hai bên vách đá để hãm cho bè trôi chậm lại, cùng lúc quan sát kỹ các pho tượng người bằng đá treo lộn ngược trong hang.

Những pho tượng này đều ngoặt tay ra sau lưng, trong tư thế của người bị trói, môi trường dưới lòng đất ẩm ướt lạnh lẽo nên bề mặt của các pho tượng đều có màu nâu xám, các đườn nét mặt mũi đều mơ hồ không rõ, dường như bề ngoài đều bị phủ một lớp vảy mốc 1.

Nhìn bề ngoài về cơ bản không thể phân biệt rõ đặc điểm giới tính và vẻ mặt của tượng đá, xét về hình thể thì có cao thấp béo gầy, hình như ngoài tráng niên ra còn có một số thiếu niên chưa trưởng thành, các pho tượng cũng không được tạo dáng theo một tiêu chuẩn thống nhất, hoàn toàn khác với các pho tượng người bồi táng thời Tần - Hán vốn đều là tượng quân sĩ và nghệ nhân diễn trò.

Phía trên nóc hang có những sợi dây xích bằng đồng hoen gỉ xanh xỉn, treo các tượng đá ở hai bên, có sợi đã đứt tuột, có sợi buông thõng không treo gì cả, có lẽ do trải bao năm tháng nên có không ít tượng đá đã bị rơi xuống nước. Trông đám tượng đá bị treo hệt như những người chết treo cổ, thả lửng lơ cách mặt nước chừng non một thước, trong hang động tối om này bất chợt nhìn thấy chúng hẳn ai cũng phải thất kinh.

Shirley Dương bảo chúng tôi tạm dừng bè, bên bờ nước có một pho tượng bị tuột xích rơi xuống đất, cô chỉ vào nó nói :" Những pho tượng này tuy mơ hồ không rõ nét nhưng nhìn kiểu tóc trang phục thì hơi giống tượng thời Hán. Tôi đến tận nơi xem sao". Nói rồi Shirley Dương chỉnh luồng sáng của đèn gắn trên mũ cho tụ lại, nhảy khỏi bè, cúi lom khom xem xét pho tượng đá nằm trên bờ.

Tôi nhắc Shirley Dương :" Đeo găng tay vào, coi chừng ở đó có vi khuẩn, nếu nhiễm khuẩn thì dù có làm hô hấp nhân tạo cả vạn lần cũng không cứu nổi đâu".

Shirley Dương xua tay, ý bảo tôi và Tuyền béo đừng làm cho cô bị phân tán chú ý, hình như cô nàng đã tìm thấy cái gì đó trên pho tượng đá, bèn đeo găng tay cao su, rồi dùng con dao chuyên dụng của lính nhảy dù cạo vài đường trên thân tượng, sau đó đưa lưỡi dao lên nhìn, rồi lại khẽ ngửi nó. Cô nàng quay lại nói với chúng tôi :" Hình như tượng người này không phải bằng đá đâu".

Tuyền béo lấy làm lạ :" Không phải bằng đá? Chẳng lẽ là nặn bằng đất bùn à?"

Tôi vẫn ngồi trên bè, nhớ lại cảnh tượng trên đường cái bên bờ sông Lan Thương, bèn nói với Shirley Dương :" Tức là đắp lên người thật hay sao?Cô thử lấy lưỡi dao cắt một mẩu ra, xem xem bên trong là gì? Tấm bản đồ bằng da người đã ghi chú rất rõ, ở gần mộ Hiến vương có vài nơi chôn người tuẫn táng, nhưng không nói vị trí cụ thể là chỗ nào, biết đâu cái hang miệng rồng này chính là một trong những hố tuẫn táng ấy cũng nên".

Shirley Dương dùng con dao lính dù chích vào đùi tượng, cắt ra một miếng, quả nhiên giống hệt như cảnh tượng nhìn thấy trên đường cái, vỏ ngoài pho tượng tuy thì chắc và dai nhưng chỉ là một lớp rất mỏng, bên trong toàn là dòi bọ đã nát bét. Nhìn đám dòi chết, Shirley Dương không khỏi cau mày, lại cầm dao chích lên phần ngực pho tượng, khoét thủng vài lỗ, kết quả cũng thế, bên trong toàn là dòi chết và trứng dòi.

Shirley Dương nói với tôi và Tuyền béo :" Có lẽ đây không phải là hố chôn người tuẫn táng, nhưng có thể khẳng định rằng những pho tượng này đều dùng người thật tạo nên, và chắc chắn là có liên quan đến Hiến vương. Có lẽ đây chính là 'trùng thuật' tàn bạo khét tiếng ở miền Điền Nam thời Hiến vương rồi".

Ngoài hơn trăm pho tượng người và dây xích ra, trong hang động toàn là nham thạch hình thù kỳ dị, lô nhô lởm chởm, còn lại không thấy có gì khác. Shirley Dương quay về bè, và chúng tôi lại tiếp tục xuôi theo dòng nước chầm chậm tiến lên phía trước.

Tôi vừa điều khiển bè, vừa hỏi Shirley Dương tại sao lại nhận định rằng những tượng ấy làm từ người thật, và tại sao có thể xác định chúng có liên quan đến trùng thuật của Hiến vương?

Trên đường đến Vân Nam, Shirley Dương đã tốn không ít công sức để thu lượm các thông tin, trước khi xuất phát, từ lúc ở Bắc Kinh phàm là nơi nào có thể tìm được tư liệu lịch sử, cô nàng đều đến tìm hết, suốt dọc đường đều ngồi nghiền ngẫm. Có một học giả châu Âu đã từng nói, mỗi tấm bia mộ là một bộ tiếu thuyết trường thiên, trong mộ của các nhân vật lịch sử quan trọng thường chứa một lượng lớn thông tin về lịch sử đương thời. Có thể nói lăng mộ các vị quân vương là kết tinh của nhiều phương diện như kinh tế, văn hóa, tôn giáo của xã hội đương thời, càng hiểu biết nhiều về các tư liệu lịch sử này thì khi đi đổ đấu sẽ càng thuận buồm xuôi gió, cho nên những tay đào trộm mộ cừ khôi nhất trong lịch sử đều là những người có kiến thức sâu rộng thông tỏ cổ kim.

Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều vị có tên Hiến vương, có điều những vị này không sống cùng thời đại, ngoài Hiến vương ở nước Điền ra, mấy vị Hiến vương khác đều không ở Vân Nam, thậm chí sau khi nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc lập nước ở Thiên Kinh cũng từng phong tước Hiến vương. Cả thời Chiến quốc và Ngũ đại, cũng đã có danh hiệu Hiến vương. Giống như danh hiệu Trung Sơn đã lần lượt được xuất hiện trong lịch sử với tư cách là quốc hiệu và vương hiệu, cho nên có thể nói các vị Hiến vương này đều không liên quan gì đến nhau.

Vị Hiến vương mà chúng tôi sắp ra tay đổ đấu là một vị vu vương 2 ở nước Điền cổ đại, trùng thuật của ông ta sử dụng vong linh người chết làm vật trung gian, càng dùng nhiều oan hồn thì uy lực của tà thuật càng ghê gớm. Quá trình và thủ đoạn sử dụng người chết để tạo ra "trùng" cực kỳ phức tạp, những pho tượng làm từ người thật trong hang động này, xét từ kiểu chết dị thường và mức độ biến chất của nấm mốc, đều hoàn toàn trùng khớp với các thủ đoạn của Hiến vương. Điều này chứng tỏ đây là một địa điểm bí mật để thực thi trùng thuật thời cổ đại.

Shirley Dương phán đoán rằng con đường sông chảy xuyên núi này được khai mở vào cùng thời điểm Hiến vương xây lăng mộ, lợi dụng những hang động đá vôi thiên nhiên, cộng với sức người sửa sang thông tuyến, để tiện cho việc vận chuyển vật liệu xây cất vương lăng, vận chuyển đường thủy có lẽ là con đường tắt thích hợp nhất với địa hình nơi đây.

Những người chết bị làm thành tượng mà ta thấy trong hang động này, rất có thể đều là các nô lệ hoặc thợ xây lăng. Để bảo vệ bí mật lăng mộ Hiến vương, sau khi đã xây cất hoàn tất, hoặc sau khi thi thể Hiến vương nhập liệm, những người này đã bị các thuộc hạ trung thành của Hiến vương trói chặt toàn thân, rồi bị buộc phải nuốt một loại thuốc "trùng dẫn", nút chặt "thất khiếu" 3, sau đó dùng xích treo trong hang động, bỏ cho chết ngạt , một là để bảo vệ các bí mật bên trong vương lăng, hai là dùng họ để hù dọa những kẻ từ bên ngoài tình cờ lạc bước vào con đường bí mật này.

Trùng dẫn là loại thuốc viên dùng trong một loại trùng thuật nào đó, sau khi con người nuốt vào, nó sẽ ký sinh và đẻ trứng trong cơ thể, chỉ cần ba đến năm ngày, toàn bộ huyết dịch, cơ thịt và nội tạng người ấy biến thành dinh dưỡng cho ấu trùng, ấu trùng sẽ chiếm lĩnh không gian trong cơ thể đó. Vì chỉ trong thời gian ngắn cơ thể đã mau chóng mất hết nước nên da người héo khô rất nhanh, cứng lại như vỏ cây hoặc như một lớp đá, trứng trùng bị yếm khí không thể biến thành ấu trùng, cứ giữ mãi trong trạng thái ngủ đông, và có thể giữ được vài ngàn năm môi trường râm mát. Vì vậy, nếu ngày nay làm vỡ lớp da bên ngoài tượng người thì vẫn có thể lập tức xuất hiện vô số ấu trùng của trùng dẫn còn tươi tựa như đàn dòi béo vậy, nhưng tùy điều kiện tồn tại khác nhau nên cũng có khả năng bên trong chỉ là những trứng sâu đã khô đét từ lâu.

Các loại điển tịch kể cả dã sử, ghi chép về trùng thuật tương đối ít, cho nên những ngày qua Shirley Dương chỉ tra cứu được chừng này thông tin, còn về lý do tại sao phải biến cơ thể người sống thành hình thái sâu nhộng, dùng đám sâu nhộng này vào việc gì, thì chịu không thể biết.

Không chỉ trong núi Già Long mới lắm tượng người kiểu này, mà ở các vùng núi lân cận có lẽ cũng còn vài nơi như vậy nữa. Pho tượng chúng tôi gặp trên đường cái ven sông Lan Thương, có thể là do đất đá trên núi bị nước mưa xói mòn lở lói, nên tượng bị rơi xuống đường. Tuy nói Hiến vương chỉ cai quản một góc khu vực biên ải miền Nam,nhưng từ sư việc có vô số nô lệ bị chế tạo thành tượng kiểu này, cũng có thể nhận ra sự tàn bạo vô tình dưới ách thống trị của Hiến vương ở khu vực miền Tây Vân Nam thời xưa như thế nào.

Nghe Shirley Dương phân tích xong, tôi và Tuyền béo đều rùng mình sởn gai ốc, lúc đầu còn tưởng là tượng đất nung giống kiểu Binh mã dõng, hóa ra lại là làm từ người thật, hai thằng không nén nhịn được mà ngoảnh đầu nhìn lại thì đám tượng người như ma quỷ bị treo cổ kia đã mất hút trong bóng tối đen kịt phía sau lưng, không nhìn thấy nữa.

Tôi càng nghĩ càng cảm thấy quá tàn bạo, bất giác ngoác miệng ra chửi :" Con mẹ cái bọn vua chúa ngày xưa, thật chẳng coi con người ra con người, trong mắt bọn quý tộc, nô lệ thậm chí không bằng con trâu con ngựa. Người ục ịch như Tuyền béo mà làm nô lệ thời ấy, chắc sẽ được làm vật tế, một mình cậu bằng ba người khác".

Ngồi ở giữa bè, Tuyền béo đang mân mê cái đèn rọi gắn trên mũ bảo hiểm, đập tay hai phát, cũng đã trở lại trạng thái bình thường, nghe thấy tôi đá đểu bèn đáp :" Quên cụ nhà cậu đi Nhất ạ! Những lời cậu vừa nói đã bộc lộ rõ cái bản chất ngu si vô học. Theo tôi biết, người thời cổ đều hãnh diện khi được chọn làm người tuẫn táng hoặc để tế thần, đó là một niềm vinh hạnh không gì bì được. Cái chuyện lựa chọn người tuẫn táng ấy được làm rất nghiêm ngặt, phải xét đến tận các cụ tam đại, ai có chút tì vết về mặt chính trị là bị loại ngay, có cả đàn người viết huyết thư tình nguyện mà còn không đến lượt, cực kỳ hợp với cái hạng người giả bộ tích cực như cậu ấy. Cậu mà sống thời đó chắc chắn sẽ rất bốc đồng, thế nào cũng nhảy cẫng lên mà hô, hãy đem tôi ra tế trời đi, tôi là thích hợp nhất để đốt đèn trời 4 nhất đấy, tổ quốc nhân dân chờ tin tốt lành của tôi, vì thắng lợi, mang tôi đi đốt đèn trời đi ..."

Tôi điên tiết quá thể, cái mồm thằng chó Tuyền béo này cũng thất đức quá :" Người tôi đâu có lắm mỡ như cậu, làm sao mà hợp đốt đèn trời được? Cậu ..."

Shirley Dương ngắt lời hai chúng tôi :" Hai anh có thôi không thì bảo? Sao cứ nói được mấy câu là cãi nhau um lên thế nhỉ? Hai anh có nhận ra điều gì bất ổn không? Đường thủy này khác hẳn với lời chị chủ quán trọ miêu tả ..."

Tuyền béo nói :" Cái bà chủ quán ấy đã bao giờ vào đây đâu? Chị ta chẳng qua cũng chỉ nghe đám công nhân khai thác đá kể lại mà thôi, đúng không? Cũng khó tránh khỏi đôi chút sai lệch, nghi thần nghi quỷ làm gì cho mệt".

Tôi nói với Shirley Dương và Tuyền béo :" Chưa chắc chị ta đã nói sai đâu, quãng sông chúng ta vừa đi qua nước chảy xiết, có thể là vì mấy hôm nay mưa to, mặt sông rất rộng, có lẽ là do hai nhánh sông đã hòa làm một. Chúng ta chỉ mải giữ bè cho thăng bằng, góc quét của đèn pha lại hẹp, tầm nhìn cũng bị hạn chế, rất có thể đã đi nhầm vào một nhánh rẽ".

Tuyền béo cuống lên :" Thế thì phiền hà rồi. Chi bằng quay lại tìm đường. Đừng lại như lần trước ở ổ nhện, đâm đầu vào mê cung rồi tí nữa không ra được. Chúng ta cũng không mang theo nhiều lương khô đâu đấy".

Tôi nói với Tuyền béo :" Nếu đúng chỉ là một nhánh rẽ trên sông thì khỏi phải lo, nước sông chỉ chảy theo một hướng, cuối cùng đều xuyên qua núi Già Long rồi đổ vào Khê Cốc của sông Rắn, cho nên tuyệt đối không có chuyện lạc đường đâu. Con sông này lại rất thẳng, rõ ràng là sông đào do con người khai thông, như Shirley Dương đã nói rồi đấy, có thể là đường thủy để vận chuyển vật liệu xây lăng mộ Hiến vương. Chúng ta đi tiếp, chắc chắn không thể nhầm đường".

Shirley Dương nói :" Anh Nhất nói đúng đấy, thời cổ, khi xây cất lăng mộ lớn, người ta thường dùng đường thủy để vận chuyển đá xây dựng, ngày xưa những người thợ xây lăng nhà Tần thường hát rằng 'Cam Tuyền lấy đá xây lăng, dòng sông Vị Thủy bởi chưng nghẹn dòng'. Chỉ hai câu ngắn gọn này cũng đủ để hình dung lăng Tần Thủy Hoàng hoành tráng đến đâu, chỉ vì vận chuyển đá mà làm tắc nghẽn cả dòng sông Vị Thủy".

Tuyền béo nói :" Sông Vị mà mình thấy hồi đi Thiểm Tây ấy à, so với con sông đó thì sông này cùng lắm cũng chỉ như cái cống nước thôi. So với Tần Thủy Hoàng thì tay Hiến vương chỉ được coi là một anh nghèo còm cõi. Chúng ta đi đào mộ hắn là rất nể hắn rồi... Ối ... sao thế này?"

Chiếc bè đang chầm chậm xuôi theo dòng chảy, bỗng như va phải vật gì đó dưới nước, lắc mạnh một cái, sau đó lại trở lại bình thường. Nhưng tiếp đó dưới nước vọng lên những âm thanh đùng đục của vật kim loại nặng nề đang khuấy nước. Tôi, Tuyền béo và Shirley Dương đều cùng thấy dấy lên một cảm giác chẳng lành. Không xong rồi, chỉ e bè đã đâm phải cái chốt thiết bị đánh bẫy đặt dưới lòng sông này ...
--------------------------------
1 Mốc đá biến chất, không độc.
2 Tức "vua phù thủy".
3 Tức bảy lỗ trên cơ thể gồm 2 mắt, 2 lỗ mũi, mồm và 2 tai.
4 Nguyên tác : điểm thiên đăng, thời xưa còn gọi là đốt đèn người, là một hình phạt cực kỳ tàn khốc, người chịu hình phạt này bị lột hết quần áo, quấn vải quang người rồi nhúng vào vại dầu, đến đêm, sẽ bị treo lộn người đầu chúc xuống đất, chân chổng lên trời, và đốt lửa. An Lộc Sơn đời Đường chính là bị xử tử theo cách này.




MuaHeXanh1111
MuaHeXanh1111
Tổng số bài gửi : 907
Điểm : 1252
Chất lượng : 7
Join date : 31/10/2011
Age : 34
Đến từ : tpchm
http://pchymew.net/

[ST] Ma Thổi Đèn Tập 3 Empty Re: [ST] Ma Thổi Đèn Tập 3

Wed Feb 01, 2012 7:56 pm
Chương 5

NƯỚC SÂU MƯỜI BA MÉT

Những tiếng động dưới lòng sông truyền lên vẫn chưa dứt, bỗng nghe thấy phía sau vang lên những tiếng "ùm... ùm ..." của vật gì đó rơi xuống nước, âm thanh mỗi lúc một mau, đến cuối cùng thì gần như không còn thấy quãng ngắt giữa các tiếng rơi nữa, hình như tất cả đám tượng người treo lửng lơ lúc nãy đều rơi tõm xuống nước.

Tuyền béo lẩm bẩm :"Hỏng bét cả rồi, chỉ sợ đống của nợ kia biến thành ma nước đến lật bè mình". Nói rồi cậu ta gỡ chiếc "Kiếm Uy" đeo trên lưng xuống, mở quy lát để nạp đạn bi sắt.

Tôi cũng cảm thấy chắc chắn phía sau có chuyện khác thường bèn ngoái lại nhìn, nhưng vì bè đã trôi xa khúc sông có treo tượng người nên phía sau chỉ là một màn tối đen, đèn soi gắn trên mũ không thể phát huy tác dụng gì ở nơi này, trên lý thuyết nó có thể chiếu xa mười lăm mét, nhưng khi chỉnh cho vòng sáng tụ lại hết cỡ,thì chỉ có thể chiếu xa sáu mét là cùng.

Vì ở môi trường tối tuyệt đối, ánh sáng đèn chiến thuật cá nhân như thế này rất khó làm nên trò trống gì. Shirley Dương ngồi ở cuối bè, ngoái lại nhìn nhưng cũng không nhận ra là chuyện gì, vội nói với tôi và Tuyền béo :" Mặc kệ phía sau đi, chúng ta cứ gắng hết sức tiến lên, phải cố thoát ra khỏi khúc sông này trước khi bị đuổi kịp".

Tôi đáp lời ngay :" OK! Tăng hết tốc lực lên!". Tôi bật đèn pha phía trước, nhấc sào chuẩn bị chống vào vách đá trợ lực cho bè trôi nhanh hơn.

Nào ngờ cột ánh sáng như đông đặc của ngọn đèn pha vừa bật lên chiếu rõ khúc sông thẳng tắp ở trước mặt chúng tôi, ở chỗ cách chúng tôi chừng hơn trăm mét cũng có hơn trăm pho tượng người được treo bằng dây xích, ánh đèn quá mạnh rọi vào bề mặt da người nâu xỉn trông cực kỳ đáng sợ, đám tượng người ấy lại giống như một bầy ma quỷ bị treo cổ đang khẽ đung đưa bên trên dòng sông hẹp, càng khiến chúng tôi sợ dựng tóc gáy.

Âm thanh dưới lòng sông lại nổi lên, hang động rộng lớn vọng lại những tiếng ầm ầm, chỉ thấy xích treo đám tượng phía trước ấy tuột ra, các pho tượng rào rào rơi xuống như máy bay thả bom, pho tượng này nối tiếp pho tượng kia ùm ùm rơi xuống sông, chỉ khoảnh khắc sau, phía trước trụ sáng đèn pha chỉ thấy hàng trăm sợi xích đã trống trơn.

Đến lúc này gần như có thể khẳng định được rồi, đây là sông đào vận chuyển vật liệu xây lăng mộ Hiến vương, sau khi đã chôn cất ông ta xong, dưới sông đã được bố trí thiết bị chốt bẫy gì đó, có điều, vẫn chưa thể xác định đám tượng người dùng làm "vỏ chứa sâu bọ" kia được thả xuống nước là để làm cái trò gì.

Phen này đúng là xuất quân bất lợi, chưa đến được Khê Cốc ở sông Rắn đã đi nhầm đường. Có lẽ từ sau thời Hán chưa có ai đi vào khúc sông này, gần đây do mưa nhiều, nước lớn, đã đẩy bè của chúng tôi vào đây, thành ra chúng tôi đã lỡ bỏ qua mất tuyến đường so ra thì tương đối an toàn kia.

Tôi không ngừng chửi thầm trong bụng, bè vẫn tiếp tục trôi xuôi, mặt nước ở khúc sông phía trước tĩnh lặng như không, thậm chí không hề thấy gợn sóng lăn tăn. Hình như đám tượng người ấy đã chìm xuống tận đáy sông, không có động tĩnh gì hết, dường như chưa hề có những vòng tròn sóng lan dần sau khi một vật thể bị rơi xuống nước.

Kinh nghiệm tham gia chiến tranh ngày trước mách bảo tôi rằng, những lúc im ắng lại càng là những lúc đang âm ỉ nguy hiểm và phong ba ghê gớm. Tôi cầm chiếc xẻng công binh lên theo bản năng. Chiếc xẻng công binh này là bảo bối mà Răng Vàng đã rất kỳ công mới kiếm được ở Bắc Kinh, vốn là trang bị của lính thủy đánh bộ Mỹ mà quân tình nguyện Trung Quốc đã thu được trong thời kỳ viện Triều kháng Mỹ, được bảo quản nguyên vẹn cho đến ngày nay, tuyệt đối có thể coi là một thứ công cụ thượng thặng, bên trên còn có ký hiệu kỷ niệm chiến dịch Guadalcanal nữa, giá trị của nó rất cao, đến nỗi tôi thấy hơi không nỡ dùng. Nhưng lúc này không nghĩ nhiều được nữa, tôi quyết định dù là cái gì từ dưới nước ngoi lên thì cứ phang cho một xẻng đã rồi hẵng hay.

Shirley Dương cũng rút súng ngắn ra, mở chốt an toàn, lên đạn sẵn sàng, chúng tôi đã đều chuẩn bị xong xuôi, bèn kệ cho bè tiếp tục từ từ trôi về phía trước. Đã rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, chỉ còn cách phải bình tĩnh ứng phó, sau khi nhận định rõ tình hình rồi sẽ tranh thủ ra tay trước áp đảo, không cần thiết phải xông lên một cách mù quáng.

Nhưng chúng tôi lên tư thế chuẩn bị hồi lâu mà mặt sông phía trước vẫn phẳng lặng như cũ, bè đã trôi đến giữa khúc sông phía trên lủng lẳng đầy dây xích, những sợi xích to gỉ xanh nham nhở lạnh lùng buông xuống giữa khoảng không. Tôi nghiến răng. Mẹ kiếp, im ắng quá thể, đằng sau sự im lặng này chắc chắn có vấn đề. Rốt cuộc là cái gì đây? Xem ra hình thức đấu tranh cách mạng ngày càng phức tạp rồi!

Đúng lúc này mặt sông bỗng như mở vung nồi, hàng loạt bong bóng sủi lên, tôi vội ấn cái đèn chúc xuống, soi vào mặt sông, cột ánh sáng xuyên qua mặt nước rọi đúng vào một pho tượng người đang nửa chìm nửa nổi.

Lớp da khô héo của pho tượng bị thấm nước sông hiện ra những nếp nhăn, mặt người vốn mờ ảo mơ hồ lúc này đã hiện rõ. Thì ra lúc họ còn sống, trên mặt đều bị trát một lớp bùn, sau khi nuốt "trùng dẫn" vào, người ta nút chặt thất khiếu của họ lại cho chết ngạt, vì thế khuôn mặt người chết vẫn giữ nguyên vẻ thê thảm đau khổ vật vã trước lúc chết. Lúc này ánh đèn rọi vào bị dòng nước đang chảy ngăn cản, tia sáng bị khúc xạ chập chờn, tưởng chừng như có vô số tượng người đang hồi sinh trong nước, cảnh tượng cực kỳ đáng sợ, bàn tay đang điều khiển đèn rọi của tôi thậm chí còn hơi run run, chưa bao giờ tôi thấy tình huống kinh hãi như thế này cả.

Các nếp nhăn xuất hiện trên thân tượng người cứ dần dần căng phồng, rồi nứt nẻ, từ mắt mũi mồm tai và từ các kẽ nứt trên người không ngớt sùi bong bóng, rất nhiều trứng sâu khô cũng bị phun ra.

Đám trứng sâu ấy gặp nước liền sống lại, nhanh chóng phình to lên, tựa như những miếng bọt biển xốp khô hút nước nở ra, biến thành những con đỉa màu trắng to bằng ngón tay, hai bên mọc vấu to bằng móng tay út, bơi nhanh vun vút, cả đàn cả lũ đều lao về phía bè của chúng tôi.

Chúng tôi đều sợ tái cả mặt lại, đó là giống đỉa Vân Nam mà ai nghe nói cũng phải phát hoảng, sống ở nơi nước nông, rất thích bám vào các vật trôi nổi trên mặt nước để đẻ trứng. Ở ruộng nước tại Vân Nam, Quảng Tây và Việt Nam, đôi khi trâu đang cày ruộng bỗng nhảy dựng dậy như điên rồi chạy lồng lộn, ấy chính là vì bị bọn ong nước này cắn vậy.

Tuyền béo chưa từng biết giống này,thấy những con đỉa trắng bé tẹo màu trắng lao như bay về phía bè, liền cầm sào vụt lia lịa, bọt nước bắn tung tóe.

Tôi chỉ lo cậu ta quá sợ rồi làm lật bè, vội nói ngay :" Không sao đâu, đừng căng thẳng quá, bọn đỉa cắn rất khiếp nhưng chúng không thể phi lên khỏi mặt nước, chỉ cần chúng ta cứ ngồi trên bè không xuống nước, thì khỏi phải lo gì".

Lũ đỉa trắng nhợt bâu đến mỗi lúc một nhiều, bám dưới đáy bè chi chít dày đặc, nhiều đến mức không thể đếm xiết, vô số con ở đằng xa cũng đang lao về đây, tuy số lượng nhiều nhưng tạm thời chúng cũng chưa tạo thành mối đe dọa gì đối với những người ở trên bè.

Tuyền béo chửi :" Tổ mẹ nó, sao lắm thế hả trời, đều từ trong da người chui ra à?Nó là sâu hay là cá?"

Tôi bảo Tuyền béo chúng là một loại côn trùng sống trong nước, cậu ta mới thấy hơi yên tâm :" Thế thì còn được! Bình thường tôi chỉ nghe nói có loại cá ăn thịt người rất khiếp, nếu chỉ là sâu bọ thì chẳng sao, sâu bọ lợi hại mấy, cũng không thể ăn thịt người được".

Shirley Dương nói với Tuyền béo :"Thực ra thì côn trùng là loài ghê gớm nhất thế giới này đấy, chẳng qua thể hình bé nhỏ đã hạn chế uy lực của chúng thôi. Sức mạnh và sức sống của côn trùng đều đứng đầu trái đất này,số lượng mà đủ nhiều, thì côn trùng cũng cắn chết người được, có loài côn trùng mang chất kịch độc, một con cũng có thể hạ gục cả con voi rồi".

Chúng tôi cầm xẻng công binh ra sức đập lũ đỉa ở phía trước bè, nhưng vì chúng quá nhiều, vả lại cũng chỉ đập được ở bên rìa, chứ không làm gì nổi lũ đỉa ở phía dưới. Tôi an ủi Tuyền béo và Shirley Dương :" Chúng ta chỉ cần giữ cho bè thăng bằng là được, lũ đỉa này chẳng là gì hết. Năm xưa ở Việt Nam tôi đã từng ăn cả một nồi, rất giàu đạm, ngon hơn hẳn nhộng tằm, mùi vị như tôm riu ấy. Đợi khi nào qua khỏi khúc sông này chúng ta luộc một mớ đỉa ăn, coi như đem cúng ông dạ dày luôn thể".

Tuyền béo nói :" Thích ăn thì cậu cứ ăn, toàn những con chui ra từ xác chết, dù có ngon như tôm hùm thì tôi cũng chẳng thèm".

Shirley Dương nói :" Chớ nên lạc quan quá sớm, đỉa nhiều như thế, người xưa lại tốn công uổng sức dùng trùng thuật tạo ra và cho ký sinh trong tử thi, e rằng không đơn giản vậy đâu. Theo các tư liệu mà tôi được tiếp xúc gần đây, tôi nhận ra trùng thuật có một điểm chung lớn nhất ..."

Tay tôi không ngơi nghỉ, vừa đập lũ đỉa áp đến bè vừa chống sào đẩy bè tiến lên, chỉ mong nhanh chóng ra khỏi núi Già Long, lúc này nghe Shirley Dương nói thế,tôi bỗng sững sờ, nhớ đến cái cảnh trong xưởng quan tài ở thôn Thạch Bi Điếm, liền không nhịn được buột miệng hỏi "Đặc điểm mà cô nói đến .. phải chăng là ... chuyển đổi?"

Shirley Dương nói :" Đúng thế. Hình như trùng thuật dùng linh hồn người chết làm trung gian, đưa oan hồn nhập vào một sinh vật khác, khiến sinh vật ấy vốn không độc hại gì biến thành một thứ vũ khí hoặc chất độc chết người. Đương nhiên đây mới chỉ là một phần núi băng mà chúng ta tiếp xúc được, lũ đỉa tạo ra từ trùng thuật cổ dưỡng trong xác người này chắc chắn không đơn giản là những con đỉa thông thường đâu, chỉ có điều thông tin chúng ta nắm được có hạn, chưa hiểu chỗ bí ảo thực sự trong thuật sử dụng trùng độc của Hiến vương, không hiểu rốt cuộc lão ta định giở trò gì đây nữa".

Tuyền béo nghe chúng tôi nói thế đâm lo :" Xem ra, cái bánh tông thiu của lão Hiến vương này thích ra đòn ngầm đây, lại cứ phải vong vo Tam quốc, hại người mà cũng không chịu chơi cho sảng khoái, không dùng đao kiếm mà lại dùng trùng thuật, con mẹ nó, khó nhằn ra phết đấy!".

Trong lúc chúng tôi nói chuyện thì bè đã trôi qua hết khúc sông thẳng tắp, vào một cái hang còn rộng hơn, ngập nước. Tôi quét đèn rọi khắp bốn bề, hang rộng bằng hai cái sân bóng đá, phía trước mặt có lối ra, dòng nước tiếp tục trôi ra đó. Tôi nhìn la bàn, thấy chỉ hướng Tây Nam, cũng tức là hướng đi không sai chệch gì, bèn để bè cứ tiếp tục trôi, chắc chắn cuối cùng sẽ ra khỏi hang động khổng lồ trong lòng núi Già Long rồi trôi vào sông Rắn ở Trùng cốc.

Lúc này không thể biết có bao nhiêu con đỉa đang bám dưới đáy nữa, bè hơi chìm xuống, nếu nặng thêm nữa, có khả năng nước sông ngập qua bàn chân, lúc ấy thì thảm rồi. Nhưng nếu nói dùng trùng thuật dưỡng ra bao nhiêu đỉa thế này vì muốn dùng trọng lượng đánh chìm các phương tiện giao thông như thuyền bè, thì e cách nghĩ này quá thộn, dù có tăng gấp đôi số đỉa bám vào bè cũng không thể chìm hẳn xuống được. Chỗ lợi hại trong tà thuật của Hiến vương chính là khiến người ta luôn luôn không thể lường được chiêu tiếp theo sẽ là gì.

Tính thời gian kể từ lúc thả bè đi trong này, ước chừng chúng tôi đã đi được hai phần ba hành trình dưới núi Già Long, chỉ cần gắng kiên trì thêm chút nữa, ra khỏi núi, lên bờ rồi thì khỏi phải sợ cái bọn thủy trùng này nữa. Vừa rồi vận hết sức lực dùng sào chống bè, tay chân cả bọn đều mỏi rã rời, không nhúc nhắc gì được nữa, thao tác đành chậm hẳn lại. Shirley Dương thả xuống nước chiếc phao có gắn khí áp kế để đo độ sâu, nước rất sâu, chừng mười ba mét, một độ sâu không lành.

Lối ra phía trước đã có bàn tay con người tác động sửa sang nên thẳng tắp, từ đây xuôi theo dòng, có lẽ chẳng bao lâu nữa có thể ra khỏi lòng núi Già Long một cách thuận lợi.

Nhưng khi bè chở ba chúng tôi đi được chừng một nửa cái hang khổng lồ này, bỗng có tiếng đá vụn va đập lục cục phát ra từ phía góc hang, hình như trong bóng tối có một vật to lớn nào đó đang dịch chuyển rất nhanh trên lớp nham thạch ở vách hang.

Shirley Dương nhắc tôi :" Anh Nhất mau chiếu đèn ra phía đằng này!"

Lúc này tôi mới nhớ ra chiếc đèn pha công suất lớn, vội vàng xoay chuyển góc chiếu. Khi luồng sáng lia đến khu vực đó, những tiếng đá lăn lạo xạo lục cục bỗng im bặt. Chúng tôi nhìn thấy trên đám nham thạch hình nấm có một con trăn to đùng vảy màu xanh đang nằm cuộn tròn nghểnh đầu về phía mình. Con trăn này lớn quá, cứ như một con rồng xanh khổng lồ không móng vuốt, dưới ánh đèn, lớp vảy nhấp nháy lên những tia sáng chẳng lành. Chắc nó đã sinh trưởng tai rừng sâu trong Trùng cốc, do loài mãng xà ưa môi trường râm mát nên coi cái hang động này thành ổ của nó, hàng ngày ra ngoài kiếm ăn rồi lại vào đây nằm ngủ khì, chẳng hiểu thế nào lại bị chúng tôi làm kinh động.

Con trăn khổng lồ hơi chững lại một chút, rồi bất thình lình thốc ra một luồng gió xoáy tanh nồng, trườn khỏi đám nham thạch hình nấm, thân hình đồ sộ đầy sức mạnh hoang dã của nó lướt qua khiến những khối đá hình nấm bắn tung tóe vô số đá vụn, trông càng giống như một con rồng lớn bị bao bọc giữa làn sương bụi trắng, lướt đi cùng cơn gió mạnh, nhào xuống nước với tốc độ cực nhanh. Con trăn khổng lồ vảy xanh lao xuống nước rồi mà vụn đá tung ra do bị nó chà qua nham thạch hình nấm vẫn chưa kịp rơi hết xuống, còn nó thì lặn sâu xuống nước, vun vút bơi về phía bè của chúng tôi.
Sponsored content

[ST] Ma Thổi Đèn Tập 3 Empty Re: [ST] Ma Thổi Đèn Tập 3

Về Đầu Trang
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết